Tổng cục TCĐLCL mở rộng “hành lang” hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản khi tham gia FTA

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Monday, May 18, 2020 | 9:00 - View count: 1105

Để giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản khi tham gia vào các FTA, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN)

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho rằng việc tham gia ký kết các FTA đã nâng cao đáng kể năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các FTA đã tạo ra động lực và sức ép mới để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước theo đó cũng dần được hoàn thiện, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Các cơ hội mà chúng ta có được đó chính là thuế suất giảm, minh bạch hóa về mặt chính sách, cơ hội liên quan tới cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT… mà cụ thể là đảm bảo không phát sinh những rào cản không cần thiết cho thương mại của hai hay các bên, gây cản trở thương mại và tổn thất cho doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Về thách thức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ việc thuế suất giảm, hàng hóa nhập khẩu với chất lượng tốt tràn ngập trên thị trường. Theo thống kê của Uỷ ban TBT trong năm 2019 có tới gần 3.000 biện pháp TBT được các nước thành viên WTO thông báo dự kiến sẽ ban hành và áp dụng và con số này tăng đều qua các năm, điều này đồng nghĩa với việc các DN phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi vào thị trường xuất khẩu.

Ký kết các FTA, Việt Nam đã chuẩn bị những năng lực cần thiết để tham gia vào sân chơi nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này. Cụ thể, thực hiện rà soát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh; tạo sân chơi bình đằng minh bạch giữa DN nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân; cơ quan quản lý nhà nước đã cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh; thực hiện xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, đánh giá sự phù hợp.

Tổng cục TCĐLCL thời gian qua đã tham gia triển khai các hiệp định, cụ thể: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đề cao vấn đề truy xuất nguồn gốc (TXNG) hàng hóa, do đó, để đảm bảo TXNG đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc – Việt Nam, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (MSMV) đã làm việc với cơ quan chức năng của chính phủ Trung Quốc để ký hợp tác về TXNG, bước đầu thừa nhận lẫn nhau về TXNG, tiến tới thừa nhận kết quả chứng nhận chất lượng hàng hóa…

Còn đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam, nông sản được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các DN Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay. Khi thuế về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều DN.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã đồng hành với DN trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam với quốc tế, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Đề án thực thi Hiệp định TBT. Qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đáp ứng các điều kiện về pháp lý cho Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO; thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quản lý cũng như xã hội, giúp doanh nghiệp có đầy đủ các thông tin về thị trường xuất khẩu để sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của DN.

Ngoài ra, việc Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, soát xét hài hoà hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở cho thuận lợi hoá thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, xúc tiến triển khai ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định, thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, APEC, MRA song phương giữa các nước, ưu tiên ký kết MRA với các nước có giá trị hàng hoá trao đổi thương mại lớn với nước ta cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận, sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/05/tong-cuc-tcdlcl-mo-rong-hanh-lang-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-rao-can-khi-tham-gia-fta/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]