Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đáp ứng thị trường và hội nhập kinh tế

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Monday, Jun 22, 2020 | 11:15 - View count: 1110

Ngay sau thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông sản và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, Tổng cục TCĐLCL – Bộ KH&CN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng, cùng vượt qua rào cản kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Nhằm khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau nhiều tháng cách ly xã hội do Covid-19, Tổng cục TCĐLCL – Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân.

Chia sẻ về hoạt động thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, trên cơ sở Thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông sản và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao được ký vào tháng 8/2018, ngay sau đó, Bộ KH&CN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành hỗ trợ Hội DN HVNCLC triển khai các hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng, cùng vượt qua rào cản kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đáp ứng thị trường trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội thảo

Về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, Bộ KH&CN đã giới thiệu chuyên gia có kinh nghiệm từ các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia tham gia nhóm công tác xây dựng “Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập các nhóm ngành phi thực phẩm”.

Bộ KH&CN cũng cử chuyên gia góp ý, hoàn thiện bộ tiêu chí này trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội ISO 26000, với mong muốn nâng cao tính thực tiễn, khả thi hơn trong quá trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động quản lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tổ chức hướng dẫn xây dựng và góp ý “Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao cho các ngành dệt may – da giầy, cao su – nhựa, hóa mỹ phẩm, chế biến gỗ” do Hội DN HVNCLC chủ trì biên soạn. Các Bộ Tiêu chí này đã được Hội DN HVNCLC công bố là công cụ và căn cứ để triển khai xét duyệt tại các Hội đồng xem xét đánh giá hồ sơ cho doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp hướng dẫn, tư vấn, xét thưởng của Hội DN HVNCLC.

Về quá trình triển khai áp dụng thực tiễn, năm 2018, Bộ KH&CN đã cử các chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia Hội đồng tư vấn đánh giá hàng Việt Nam Chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh đối với nhóm sản phẩm thực phẩm (năm 2017 – 2018).

Năm 2019 và 2020, Bộ KH&CN tiếp tục cử chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia 03 Hội đồng xét duyệt “Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập” ngành phi thực phẩm. Sau 3 đợt tham gia xét duyệt, hiện nay Hội đã cấp giấy chứng nhận cho 34 Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình. Đây là các doanh nghiệp lớn và có uy tín trong các đơn vị của Hội hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Sau gần 2 năm thực hiện Thỏa thuận Chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ KH&CN đã phối hợp với Hội DN HVNCLC giúp cộng đồng doanh nghiệp và nông dân nâng cao nhận thức trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, qua đó giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng, tạo nền tảng thúc đẩy sản phẩm hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, các vấn đề sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, doanh  nghiệp, nông dân tiếp cận với các yêu cầu về sản xuất, quản lý mới, Bộ KH&CN đã công bố 07 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và 8 tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ.

Trong 2 năm thực hiện Thỏa thuận giữa Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, Hội doanh nghiệp HVNCLC đã cấp giấy chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho 54 doanh nghiệp. Trong đó, có 26 doanh nghiệp ngành phi thực phẩm được trao chứng nhận tại Lễ khai mạc hội chợ HVNCLC TP. Hồ Chí Minh và Diễn đàn Mekong Connect tại Cần Thơ…

Đặc biệt, từ sự lan tỏa và tính thiết thực, Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã được đồng ý “Thừa nhận lẫn nhau” với nhiều tổ chức như BQL ATTP TP. HCM, GMP, GlobalG.A.P. Đầu năm 2019, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã ban hành Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao cho các ngành phi thực phẩm. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận này, có 2 công trình nổi bật là: Xây dựng được tiêu chuẩn GlocalG.A.P dành cho nông nghiệp và Ban hành Chuẩn hội nhập dành cho các ngành phi thực phẩm (5 nhóm ngành).

Nguồn: Tổng cục TCĐLCL

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/06/nang-cao-suc-canh-tranh-cua-hang-hoa-viet-nam-dap-ung-thi-truong-va-hoi-nhap-kinh-te/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]