Sau 3 tháng Thực thi EVFTA: Cơ hội lớn cho Việt Nam cải thiện nền sản xuất

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Friday, Dec 25, 2020 | 8:20 - View count: 1122

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội thuế quan rất tốt từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Chỉ hơn 3 tháng sau khi hiệp định có hiệu lực, EVFTA là hiệp định có tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Tỷ lệ tận dụng lên tới 11% 

Thông tin tại hội nghị “EVFTA: Thành công bước đầu và cơ hội trong tương lai” mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, chỉ sau 3 tháng thực thi, EVFTA đã cho thấy những kết quả ban đầu rất tích cực khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 5%, bất chấp đại dịch Covid-19.

Từ góc độ các doanh nghiệp Việt Nam, bà Trang chia sẻ, để chuẩn bị hiệp định này, các doanh nghiệp (DN) đã làm khá nhiều việc, bởi muốn tận dụng cơ hội trước hết phải biết cơ hội từ đâu, ở chỗ nào thì mới tận dụng được. Đồng thời, có cách thức hỗ trợ nhau để tận dụng cơ hội. EVFTA là cơ hội cùng thắng của 2 bên, xuất phát từ lý do đó, VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động phổ biến thông tin, cam kết của hiệp định cho DN. Đánh giá so với các FTA khác thì EVFTA rất tốt về mặt phổ biến thông tin tuyên truyền. VCCI đã có bảng tóm tắt cơ bản nhất về các cam kết để DN có thể hiểu được.

Về cơ chế hợp tác, VCCI đã cùng với Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) đã thành lập Hội đồng DN Việt Nam – EU để tận dụng hiệu quả EVFTA. Mục tiêu của hội đồng là tập hợp các DN để hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến thực thi hiệp định và làm cầu nối giữa các cơ quan Việt Nam và EU để giải quyết những vướng mắc nếu gặp phải trong quá trình thực thi. Bước đầu đã nhìn thấy cơ chế này có hiệu quả.

Bà Trang cho rằng, tương lai tận dụng EVFTA là rất lạc quan. VCCI mới tiến hành khảo sát mẫu với các DN chủ yếu là DN, xuất nhập khẩu về việc họ hiểu biết thế nào về các FTA. Kết quả nhận được là số DN hiểu tương đối rõ và hiểu rất rõ về cam kết EVFTA liên quan lĩnh vực của họ có tỷ lệ cao nhất trong tất cả các hiệp định. Kết quả này, một mặt có thể lý giải được do nỗ lực tuyên truyền, mặt khác, đó cũng là điều ngạc nhiên vì hiệp định này chỉ mới có hiệu lực được vài tháng, trong khi các hiệp định khác đã có hiệu lực từ khá lâu rồi.

Kết quả xuất nhập khẩu tăng lên sau khi EVFTA có hiệu lực, các DN đã tận dụng được cơ hội thuế quan rất tốt và nó đang tăng dần. Nếu tháng đầu tiên chỉ tăng hơn 7% kim ngạch từ tận dụng ưu đãi thuế quan, sang tháng thứ 2 đã tăng lên 9%, tháng thứ 3 tăng cao hơn nữa, khoảng 15%, tính trung bình thì khoảng 11 – 12%. Với nhiều hiệp định, những năm đầu tiên, tỷ lệ tận dụng rất ít, chỉ khoảng 2 – 3%, nhiều là 8 – 9%. CPTPP tỷ lệ tận dụng của năm ngoái thấp, do 4/6 đối tác đã phê chuẩn hiệp định đã có FTA riêng với Việt Nam, còn với các thị trường mới trong CPTPP như Cannada, Mexico, tỷ lệ tận dụng cũng chỉ khoảng 7 – 8%. Việc EVFTA đạt kết quả trên là một tín hiệu rất đáng mừng. Ngoài ra, một tín hiệu tích cực nữa là, khi đánh giá về mức độ kỳ vọng của DN với hiệp định, EVFTA cũng có tỷ lệ được DN kỳ vọng có tác động từ tương đối tích cực đến rất tích cực cao nhất trong các hiệp định.

Trong “nguy” luôn có “cơ” 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, có câu chuyện khác rất đáng lưu ý là từ kết quả điều tra, đối với riêng EVFTA, DN hoặc là rất kỳ vọng hoặc là rất lo lắng. Tỷ lệ những người lo lắng về tác động bất lợi về EVFTA chỉ thấp hơn CPTPP và ngang bằng với FTA ASEAN – Trung Quốc và cao hơn các FTA còn lại. Với FTA ASEAN – Trung Quốc, có thể hiểu được vì Trung Quốc là đối tác cạnh tranh rất mạnh, còn với EVFTA, qua phân tích các nguyên nhân, một trong những lo lắng được đưa ra là yêu cầu về phát triển bền vững, quy tắc, thể chế, khả năng có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng sang EU hay đầu tư sang EU, với những yêu cầu cao từ thị trường này.

Tuy nhiên, VCCI phân tích theo hướng khác, nhìn thấy tương lai từ chính các yêu cầu cao này. Bởi vì DN có thể hiện tại đầu tư nhiều hơn, chi phí tuân thủ cao hơn, nhưng nếu DN làm được thì DN có thể không chỉ xuất khẩu sang EU mà có thể xuất khẩu sang các thị trường khác có yêu cầu cao. Đây chính là cơ hội hợp tác cực kỳ lớn cho DN. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn này là nền tảng cho sản xuất của Việt Nam đầu tư tiếp cận được vốn FDI công nghệ chất lượng cao. Với DN quan tâm đến vấn đề môi trường, lao động, phát triển bền vững thì đây cũng là cơ hội tốt để có cơ chế ưu tiên với những DN trong lĩnh vực này. Với DN chưa suy nghĩ đến điều đó thì lợi ích kinh tế từ các yêu cầu này sẽ là động lực để hướng đến. Còn nếu thực hiện được các yêu cầu phát triển bền vững trong lao động, thì trong bối cảnh Covid-19 có thể cảm nhận rất rõ sự kết nối DN và lao động càng chặt chẽ thì DN càng có cơ hội vượt qua khó khăn này.

Từ góc độ cơ quan thực thi FTA, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã triển khai một số nhiệm vụ, trong đó chuẩn bị sẵn sàng thể chế, pháp luật để có thể thực thi được cam kết, tạo tin cậy ở đối tác không những ở EU mà cả đối tác khác nữa. Thông qua cách thực thi EVFTA, thông điệp rõ ràng đã được thể hiện là Việt Nam có thể hợp tác với nhiều đối tác khác.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/12/sau-3-thang-thuc-thi-evfta-co-hoi-lon-cho-viet-nam-cai-thien-nen-san-xuat/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]