Tập huấn mạng lưới TBT Việt Nam 2025
Post by: tran pha - Post date: Wednesday, Jul 9, 2025 | 15:05 - View count: 54
Ngày 04/7, Văn phòng TBT Việt Nam thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức tập huấn cho các điểm TBT cấp bộ, địa phương thuộc Mạng lưới TBT Việt Nam năm 2025.
Tham dự lớp tập huấn có các thành viên trong mạng lưới TBT trên cả nước, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp địa phương. Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung như chuyên môn nghiệp vụ TBT, cập nhật tình hình thực hiện nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), chia sẻ quy định TBT đối với nông sản ở các thị trường quan trọng và hướng dẫn sử dụng hệ thống ePing của WTO.

Các thành viên tham dự lớp tập huấn
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, việc nắm bắt và ứng phó với các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đã trở thành nhu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, chương trình tập huấn được tổ chức để trang bị kiến thức và công cụ cần thiết giúp các cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp vượt qua thách thức và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về các biện pháp TBT trên toàn cầu. Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam đã thông báo 390 biện pháp, trong đó 66 biện pháp được áp dụng trong năm 2024. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Văn phòng TBT Việt Nam đã tích cực giải đáp khoảng 30 câu hỏi và phát hành 12 cảnh báo xuất khẩu cho các ngành hàng trọng điểm; đồng thời, chủ trì các cuộc đàm phán về cam kết TBT trong các hiệp định thương mại tự do quan trọng. Trong các phiên họp của Ủy ban TBT thuộc WTO, nhiều quan ngại thương mại mới nổi liên quan đến bền vững, sinh thái và an toàn sản phẩm đã được nêu ra, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Việt Nam.
Trọng tâm của chương trình tập huấn lần này là giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Hệ thống ePing, một công cụ trực tuyến mạnh mẽ do WTO, UN và ITC phát triển. Với giao diện tiếng Việt được cập nhật từ tháng 6/2024 cùng các tính năng mới như dịch tự động dự thảo, theo dõi và liên kết thông báo với quan ngại thương mại, ePing sẽ hỗ trợ Mạng lưới TBT Việt Nam kịp thời nắm bắt thông tin và góp ý cho các dự thảo quy định của các nước thành viên WTO. Quy trình xử lý thông báo và cảnh báo xuất khẩu qua ePing đã được chuẩn hóa, giúp các đơn vị từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu, thu thập ý kiến và phản hồi hiệu quả.

Báo cáo viên trình bày tại lớp tập huấn
Nội dung tập huấn cũng đặc biệt nhấn mạnh việc cập nhật các quy định ghi nhãn thực phẩm phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn. Cụ thể, tại EU, các quy định mới yêu cầu thông tin rõ ràng về thành phần dinh dưỡng, chất gây dị ứng và nguồn gốc. Ở Trung Quốc, các tiêu chuẩn bắt buộc mới GB 7718-2025 và GB 28050-2025 sẽ có hiệu lực từ năm 2027, với nhiều thay đổi về cách ghi nhãn dinh dưỡng và cảnh báo sức khỏe. Hoa Kỳ duy trì yêu cầu khắt khe về nhãn mác theo nhiều đạo luật khác nhau, bắt buộc thông tin phải được trình bày bằng tiếng Anh. Tại Nhật Bản, doanh nghiệp phải đối mặt với rào cản từ quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) đến yêu cầu về ngôn ngữ và kiểm dịch thực vật.

Ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn chia sẻ tại lớp tập huấn
Ông Nguyễn Duy Đa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn, đã chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu mặt hàng nông sản qua thị trường Nhật Bản, một thị trường khó tính. Ông cũng đề cập đến một số khó khăn và hàng rào kỹ thuật thường gặp khi xuất khẩu rau, củ, quả cấp đông sang Nhật Bản.
Trong bối cảnh thị trường biến động, đặc biệt trước tình hình Mỹ áp thuế các mặt hàng nhập khẩu, tạo ra thách thức trong quá trình đàm phán, thành viên thuộc Mạng lưới TBT Việt Nam và các cơ quan quản lý cần có những thay đổi kịp thời để thích ứng. Thông qua chương trình tập huấn, các thành viên được khuyến khích áp dụng hệ thống ePing trong công tác chuyên môn và lan tỏa công cụ này đến cộng đồng doanh nghiệp. Văn phòng TBT Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối quốc gia, tăng cường nghiên cứu, cảnh báo sớm các rào cản kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tìm kiếm phương án ứng phó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, việc tạo dựng một mạng lưới thông tin hiệu quả và nhanh chóng giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý là cần thiết để đảm bảo rằng mọi bên đều được cập nhật kịp thời về những thay đổi trong quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì sự linh hoạt trong hoạt động xuất khẩu mà còn giúp họ tận dụng tối đa các cơ hội thị trường mới.
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng