Khắc phục khó khăn để giữ thị trường xuất khẩu cá ngừ

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Tuesday, Dec 1, 2020 | 8:10 - View count: 1449

Tiềm năng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất. Các thị trường quốc tế đều rơi vào tình trạng ngừng giao thương để ứng phó dịch bệnh, thậm chí có nơi hạn chế tụ tập đông người, làm cho các hoạt động ẩm thực, thương mại nhà hàng đình trệ, sức tiêu thụ thực phẩm thủy sản cũng chững lại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn trên để đưa mặt hàng cá ngừ ra thị trường thế giới.

Vướng từ dịch COVID-19 

Sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam như phi lê cá ngừ, loin cá ngừ (phần thịt ngon nhất ngay sống lưng), cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ đóng hộp… hiện đã có mặt ở hơn 200 thị trường trên thế giới.  Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 72 triệu USD, tổng xuất khẩu cá ngừ trong 11 tháng năm 2020 là gần 600 triệu USD.Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với hơn 260 triệu USD.  Tiếp đó là thị trường châu Âu với hơn 126 triệu USD. Thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á đạt hơn 68 triệu USD.

Tuy nhiên, một số thị trường khác gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá ngừ nên giảm nhập khẩu, trong đó có thị trường Ai Cập và Trung Đông.  Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Ai Cập là hơn 14 triệu USD, chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và chỉ đứng sau thị trường Israel trong khu vực Trung Đông-châu Phi.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, thời gian vừa qua, Chính phủ Ai Cập đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 như ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cấm các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng, dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm sút.

Cùng với đó, Ai Cập có chính sách giảm nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại. Đã có thời điểm Ủy ban Công nghiệp của Quốc hội Ai Cập kêu gọi chính phủ tạm ngừng nhập khẩu cá đông lạnh do lo ngại có sự liên quan đến khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 trong sản phẩm này.  Các nhà nhập khẩu Ai Cập cho biết tình trạng tiêu thụ chậm trên thị trường trong thời gian qua buộc họ phải cắt giảm nhiều đơn hàng mới trong khi thời gian thu hồi vốn bị kéo dài.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ, đặc biệt loại cá ngừ vằn đóng hộp tại các thị trường Trung Đông, Ai Cập vẫn có sự tăng trưởng tốt trong những năm gần đây.Hiện Ai Cập nhập khẩu cá ngừ chủ yếu từ Thái Lan, ước tính khoảng 145 triệu USD mỗi năm. Mặc dù đứng thứ 2 nhưng Việt Nam lại chỉ chiếm 5,6% thị phần. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa các nhà cung cấp để tránh phụ thuộc vào một nguồn hàng duy nhất, ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ thêm.

Tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do để giữ thị trường 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.  Đối mặt với các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia hầu như đóng cửa giao thương thương mại, bao gồm cả nông sản và thực phẩm. Thế nhưng, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cố gắng để việc xuất khẩu sản phẩm cá ngừ không bị ách tắc.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu tiếp tục tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.  Các ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, nhờ đó xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tính tổng 11 tháng của năm 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt hơn 126 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính trong khối EU là Italy, Đức và Tây Ban Nha đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 60%, 20% và 41%.

Dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng còn lại năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu vào đầu năm 2021 để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo Hiệp định định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA). Sự tăng trưởng này được xem như thay thế cho một số thị trường bị ách tắc do dịch COVID-19.

Có thể thấy EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường châu Âu những tháng cuối năm. Đồng thời, đây là bước tạo đà vững chắc cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét tại “Hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU” tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 10/2020.

Theo ông Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vương (Khánh Hoà), là doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương, Hải Vương tận dụng cơ hội mở ra từ EVFTA, công ty đã tiên phong đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, xuất khẩu cá ngừ đạt chuẩn sang thị trường châu Âu.  Trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt hơn 210 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt hơn 50 triệu USD, bình quân khoảng 5 triệu USD/tháng.

Từ khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Âu đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.

Tuy nhiên, EVFTA là lợi thế cực lớn và cũng là thách thức cho ngành thủy sản của Việt Nam. Lợi thế thì ai cũng thấy, nhưng thách thức chính là chúng ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của thị trường châu Âu. Nếu làm tốt, chắc chắn xuất khẩu thủy sản Việt Nam không thua kém quốc gia nào, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ những quy định về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, đồng thời phải truy xuất hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm miễn giảm thuế thì chắc chắn sức mạnh về xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng sẽ càng được củng cố trong giai đoạn khó khăn này.

Nguồn: Báo Công Thương

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/12/khac-phuc-kho-khan-de-giu-thi-truong-xuat-khau-ca-ngu/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]