Tự nâng cao năng lực để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Monday, Dec 14, 2020 | 15:45 - View count: 1347

Thuế quan giảm nhưng hàng rào kỹ thuật gia tăng. Cần cải thiện hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý là cơ sở giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa giá trị từ các Hiệp định thương mại.

Tin liên quan đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu EVFTA mang đến cho Việt Nam một lợi thế đặc biệt Đây là đánh chung của các khách mời tham gia Diễn đàn Mekong Connect 2020 được tổ chức sáng nay, tại Đồng Tháp.

Thương mại song phương Việt Nam – EU đã có bước tiến triển lớn trong thập niên qua.  Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỷ Euro trong năm 2019, so với con số 10 tỷ Euro trong năm 2009.  Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU. Trong vòng một thập niên tới, con số này được ước tính tăng lên đến 99%. Thuế suất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ xuống thấp gần bằng 0 trong vòng 10 năm tới.

Chẳng hạn như các mặt hàng thủy có thuế suất đến 85% trong năm 2020 này sẽ giảm xuống gần 0% trong năm 2023.  Trong khi đó, thuế suất đối với các loại nông sản sẽ giảm dần theo lộ trình tiệm tiến: từ 65% trong năm 2020 xuống còn 31% trong năm 2023 và dưới 5% trong năm 2030.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các cơ hội từ thuế suất trong EVFTA được tận dụng triệt để sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12% trong giai đoạn 2021 – 2030. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong năm 2019 của Việt Nam đạt gần 265 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó.

Ngoài việc giúp tăng xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU, EVFTA cũng giúp bảo vệ tốt hơn hàng hóa đối với hàng nhái hay hàng giả trên thị trường EU thông qua điều khoản về chỉ dẫn địa lý (GI). Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, cho biết hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu. Trong số này có các sản phẩm của ĐBSCL như vú sữa Vĩnh Kim hay muối biển của Bạc Liêu.

Vị này cho rằng, thị trường 450 triệu dân tại EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm được lưu thông phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững.

Nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Các diễn giả trong phiên thảo luận sáng của Mekong Connect 2020 cũng chỉ ra rằng một khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên.

Và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của đồng bằng muốn vào thị trường EU.   “Thuế quan giảm – rào cản thuế giảm tiến tới xóa bỏ thì rào cản kỹ thuật khác lại tăng (kiểm dịch động thực vật, thuế chống bán phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ,… lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho thuế các Hiệp định thương mại tự do)”, bà Bùi Kim Thùy, thành viên Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN chia sẻ.

Đồng thời, vị này cho rằng, cần tập trung tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu, có thương hiệu – thay vì các sản phẩm thô, sơ chế, chưa có thương hiệu.  Nếu không, sẽ luôn ở phân khúc hàng giá thấp, không tạo được nhiều giá trị gia tăng ở lại với ĐBSCL, ở lại với người Việt Nam.

Ngoài việc giúp sản phẩm và dịch vụ nâng chuẩn, ông Nguyễn Hải Minh tin rằng, EVFTA giúp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý của khu vực. Cùng với đó, EVFTA sẽ giúp tăng dòng chảy hàng hóa bởi các doanh nghiệp cả hai bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần.

Điều này đòi hỏi các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại.   Vì thế, các cảng ở các tỉnh ở khu vực lân cận như TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa thông suốt và tận dụng hết các ưu đãi của EVFTA.

“Vì vậy, nâng cấp mạng giao thương vùng giữa các trung tâm logistics này và khu vực ĐBSCL có thể giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Hải Minh nhận định và kỳ vọng,  EVFTA cũng giúp nâng cao năng lực quản lý. Chính phủ Việt Nam trong nhiều thập niên qua đạt được tiến bộ lớn trong việc tinh giản và hiện đại hóa thủ tục hải quan và quy trình xuất nhập khẩu.

Tăng cường cải tiến ở lĩnh vực này sẽ khuyến khích gia tăng đầu tư nước ngoài từ các công ty châu Âu và tăng kết nối các sản phẩm và dịch vụ của ĐBSCL vào thị trường quốc tế và thương mại toàn cầu.   Các Hiệp định thương mại tự do nói riêng và EVFTA nói chung được kỳ vọng tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh “thế giới đang chao đảo, mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng”.  Cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn ở đó.

Vị này lý giả, thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn và chất lượng cao và doanh nghiệp Việt sẽ bị lãng quên trong thị trường mênh mông này, nếu không tự nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính sản phẩm của mình.

Nguồn: Báo Đầu tư

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/12/tu-nang-cao-nang-luc-de-tan-dung-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]