Vươn ra biển lớn FTA
Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Monday, Jan 4, 2021 | 8:45 - View count: 2141
Ngày 29/12/2020, tại London, Việt Nam và Vương quốc Anh đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).
Như vậy, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Thực tế đã chứng minh, trong năm 2020, việc Việt Nam đẩy mạnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường đã tạo động lực mạnh mẽ vực dậy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và xuất siêu đạt mức kỷ lục trên 20 tỷ USD, Việt Nam đang là điểm sáng của thế giới. Về lâu dài, lợi thế từ các FTA, trong đó có UKVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay (31/12) đang mở ra dòng chảy thương mại rộng lớn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Nắm rõ những cơ hội, thách thức từ hội nhập sân chơi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã xác định mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới là phục vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong đó, đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Cùng với đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN và các hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai các cam kết, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, ngành hàng, hỗ trợ DN trong phòng vệ thương mại. Về phía các bộ, ngành liên quan cần chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA hiện đang thực thi và đàm phán cũng như nghiên cứu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Để tận dụng được cơ hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn giúp cộng đồng DN nắm rõ “luật chơi” từ các FTA. Bên cạnh đó, cần quan tâm và chú trọng hơn việc kết nối với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài để giúp DN trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng hành cùng DN khai thác tối đa lợi thế từ các FTA, Bộ Công Thương và hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước cần tích cực triển khai các chương trình hành động thực thi, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.
Hơn lúc nào hết, DN cần khẩn trương thay đổi tư duy tiếp cận, nâng nội lực để đủ sức tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới nắm trọn được các cơ hội và lợi thế mà các FTA mang lại.
Nguồn: Kinh tế đô thị
[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/01/vuon-ra-bien-lon-fta/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]