EVFTA ngành rau quả: Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Wednesday, Apr 7, 2021 | 15:30 - View count: 1905
Quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA được áp dụng chung cho tất cả loại hàng hóa, trong đó có sản phẩm rau quả.
EVFTA quy định hai loại thủ tục chứng nhận xuất xứ khác nhau, bao gồm:
– Thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ dựa trên các giấy tờ mà nhà xuất khẩu xuất trình;
– Thủ tục tự chứng nhận xuất xứ: Nhà xuất khẩu tự phát hành chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình
So sánh với CPTPP (cũng là một Hiệp định cho phép thủ tục tự chứng nhận xuất xứ), phạm vi thủ tục tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA hạn chế hơn.
Cụ thể, EVFTA chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong khi CPTPP cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.
Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng.
Cụ thể, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu của EVFTA cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, phiếu giao hàng hay bất kỳ chứng từ thương mại nào, thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng.
Trong EVFTA, EU và Việt Nam mỗi Bên có cam kết riêng về vấn đề này. Cụ thể:
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU
EU chỉ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu từ EU muốn hưởng ưu đãi EVFTA, và chỉ có nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định của EU theo hệ thống REX thì mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Hệ thống REX (Registered Exporter) là hệ thống chứng nhận xuất xứ của EU. Với hệ thống này, nhà xuất khẩu EU chỉ cần vào đăng ký, sau đó có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa theo một số FTA của EU (trong đó có EVFTA).
Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống này xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX). Doanh nghiệp sẽ sử dụng thống nhất mã số REX này khi tự chứng nhận xuất xứ cho các lô hàng của mình.
Trên thực tế, EU cũng áp dụng Hệ thống REX cho các nhà xuất khẩu nước ngoài muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU theo cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (cơ chế GSP) mà EU dành cho một số đối tác, trong đó có Việt Nam.
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam
Việt Nam áp dụng cả cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tự chứng nhận xuất xứ, cụ thể:
Với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ;
Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho nhà xuất khẩu sau khi xác nhận các giấy tờ chứng minh mà nhà xuất khẩu xuất trình – đối với EVFTA Giấy chứng nhận xuất xứ là Mẫu EUR.1), Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi nào thấy thích hợp và sẽ thông báo cho phía EU trước khi thực hiện cơ chế này.
Như vậy, đối với các lô hàng có giá trị không vượt quá 6.000 EUR xuất khẩu đi EU theo diện hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng đều có thể tự chứng nhận xuất xứ.
Còn đối với các lô hàng có giá trị trên 6.000 EUR thì hiện tại Việt Nam vẫn áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ, theo đó nhà xuất khẩu phải xin giấy chứng nhận xuất xứ (mẫu EUR.1) tại cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công Thương và các đơn vị do Bộ Công Thương ủy quyền).
Trong tương lai, khi Việt Nam áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa trong EVFTA, Việt Nam có thể tự quy định về các điều kiện để xác định, cấp phép, và quản lý các nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ.
Do đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam sau này theo EVFTA có thể sẽ khác với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo Hệ thống REX mà EU đang thực hiện.
Quy trình cấp Chứng nhận xuất xứ trong EVFTA đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, đồng thời Hướng dẫn về chứng từ chứng nhận xuất xứ trong EVFTA như sau:
- Khai báo trên www.ecosys.gov.vn đối với trường hợp C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp: căn cứ điểm a khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT, với lô hàng có giá trị trên 6.000 EUR, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp. Quy trình khai báo và chứng nhận C/O theo mẫu EUR.1 thực hiện tương tự các mẫu C/O hiện hành.
- Khai báo trên www.ecosys.gov.vn đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá: căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT, với lô hàng có giá trị không quá 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Việc báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thực hiện theo khoản 6 Điều 25 Thông tư 11/2020/TT-BCT.
- Trường hợp thương nhân xuất khẩu hàng hoá sang Vương quốc Anh, cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 hướng dẫn thương nhân chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo Mục 1, Mục 2 nói trên đến hết ngày 31/12/2020.
Nguồn: VietNamBiz
[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/04/evfta-nganh-rau-qua-thu-tuc-chung-nhan-xuat-xu/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]