Phiên họp Ủy ban TBT tháng 6 năm 2021

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Wednesday, Jun 30, 2021 | 9:21 - View count: 2108

Phiên họp thường kỳ Ủy ban TBT của WTO đã được tổ chức trong các ngày 2-4 và 9/6/2021 với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông báo và hỏi đáp về TBT của các nước Thành viên WTO qua hình thức trực tuyến.

Tại phiên họp lần này các nước Thành viên WTO đã thảo luận hơn 30 đề xuất về rà soát thực thi Hiệp định TBT của các nước Brazil, Canada, Colombia, EU, Philippines, Singapore, Đài Loan và Hoa Kỳ. Mục tiêu của các đề xuất này nhằm xây dựng bộ khuyến nghị về việc tăng cường thực thi Hiệp định vào cuối năm nay. Đề xuất của các nước đã đưa ra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó vấn đề minh bạch hóa được đặc biệt nhắc đến. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan tới đánh giá sự phù hợp, chính sách công nhận, tác động của tiêu chuẩn lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề về thương mại điện tử, sản phẩm số và an ninh mạng, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong các quy định về thực phẩm, bài học từ dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Cũng theo báo cáo của Ban thư ký WTO, đã có 153 thông báo TBT liên quan tới COVID-19 được gửi cho WTO kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó 5 tháng đầu năm 2021 có 42 thông báo. Các thông báo này chủ yếu nhằm mục tiêu tăng tính hiệu quả của thủ tục chứng nhận nhằm tạo thuận lợi cho các sản phẩm y tế thiết yếu và bảo đảm các hàng hóa này an toàn, bảo đảm an ninh thực phẩm thông qua giảm bớt các quy định kỹ thuật, nêu ra các rủi ro của COVID-19 từ động vật sống và sản phẩm từ động vật trong thương mại quốc tế, và cuối cùng là gia hạn thời gian thực thi một số quy định do ảnh hưởng của COVID-19.

Phần lớn các biện pháp TBT được thông báo nêu trên là tạm thời để tạo thuận lợi thương mại. Ví dụ như các công nghệ để có thể đánh giá sự phù hợp từ xa hoặc thực hiện chứng nhận điện tử.

Các nước Thành viên cũng đã thảo luận hơn 86 quan ngại thương mại liên quan tới sản phẩm môi trường, thực phẩm và các vấn đề khác. Về pin, các nước thành viên đã thảo luận về việc các quy định đưa nguyên liệu tái chế vào sản xuất pin tác động tới thương mại như thế nào, liệu doanh nghiệp có cần gắn dữ liệu về chất thải carbon trong quá trình sản xuất và làm như thế nào để tính toán lượng khí thải carbon.

Các nước Thành viên cũng đã đưa ra quan điểm về việc các quy định liên quan tới khí thải và nhiên liệu sinh học ảnh hưởng tới xuất khẩu xe ô tô như thế nào. Các nước cũng đã đặt ra câu hỏi về tính khoa học của việc phân loại hóa chất nguy hại và nêu quan ngại về thủ tục chứng nhận đối với các chất nguy hại trong sản phẩm da có thể gây ra gánh nặng với nhà sản xuất. Một số nước cũng đã giải trình về việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu có thể ảnh hưởng tới tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và thu nhập của nông dân.

Tại phiên họp lần này, Ban thư ký WTO cũng đã dành thời gian để cập nhật thông tin liên quan tới Hệ thống cảnh báo TBT và SPS toàn cầu (ePing). Theo đó, hiện tại có khoảng 14.000 người đăng ký sử dụng hệ thống này. Ban thư ký cũng đã thực hiện các hoạt động đào tạo cho một số nước gồm Bahamas, Bangladesh, Bhutan, St. Lucia, Nam Phi, Vanuatu và Việt Nam.

Theo lời mời của Ban thư ký WTO, đại diện Văn phòng TBT Việt Nam cũng đã có bài phát biểu chia sẻ thông tin về hoạt động khai trương hệ thống ePing tiếng Việt tại Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 4/2021 và sự hữu ích của hệ thống này đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

(Nguồn: WTO)

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/06/phien-hop-uy-ban-tbt-thang-6-nam-2021/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]