Kết quả khảo sát năm 2021 của WTO về Hệ thống cảnh báo ePing

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Sunday, Aug 15, 2021 | 16:27 - View count: 1416

Hệ thống cảnh báo thông báo SPS/TBT mang tên ePing – kết quả hợp tác giữa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên hợp quốc (UN) và Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) – được ra mắt từ năm 2016 và cũng đã được giới thiệu qua một số hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Gần đây nhất, ITC cũng đã xây dựng giao diện tiếng Việt cho hệ thống này, mang đến một phiên bản gần gũi hơn với người dùng tại Việt Nam.

Với mục tiêu không ngừng cải tiến để các chức năng của hệ thống mang đến lợi ích tối đa cho người sử dụng, trong 5 năm kể từ khi ra mắt hệ thống này, Ban Thư ký WTO đã hai lần tiến hành khảo sát người sử dụng. Lần khảo sát thứ nhất được thực hiện vào năm 2017 và lần thứ hai diễn ra vào năm nay – năm 2021. Cũng trong đầu tháng 8 vừa qua, Ban Thư ký WTO đã công bố kết quả khảo sát năm 2021 về hệ thống ePing, về cơ bản cho thấy người sử dụng có mức độ hài lòng khá cao trong quá trình sử dụng ePing, đồng thời họ cũng đưa ra những gợi ý rất cụ thể và xác đáng nhằm cải thiện hơn nữa hệ thống này.

Cuộc khảo sát năm 2021 đã nhận được câu trả lời từ 1409 người, tương đương với 12% người dùng thông thường và 34% người dùng quản trị (admin). Kết quả khảo sát cho thấy người sử dụng cho điểm 8/10 đối với hệ thống với 70% số người trả lời nói rằng ePing đã giúp họ đưa ra những quyết định chính xác hơn. Trong số các chức năng của ePing, cảnh báo qua hòm thư điện tử (email) là chức năng được sử dụng nhiều nhất, với 82% số câu trả lời cho biết họ đọc email hàng ngày hoặc hàng tuần. 53% cho biết đã sử dụng chức năng tìm kiếm cơ sở dữ liệu ePing. Đây là những kết quả mà theo đánh giá của Ban thư ký WTO là đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc cung cấp một dịch vụ cảnh báo liên tục và đáng tin cậy như ePing.

Bản khảo sát cũng trình bày một số gợi ý về cải tiến hệ thống mà Ban Thư ký WTO đã tổng hợp được, bao gồm:

– Xây dựng ứng dụng ePing: có đến quá nửa số người trả lời cho biết nếu có một ứng dụng để theo dõi các thông báo mới thì sẽ rất hữu ích.

– Chức năng lọc thông báo cần tốt hơn: trên 40% số câu trả lời cho thấy nhu cầu về một bộ lọc đơn giản hơn, chủ yếu xác định các sản phẩm và lĩnh vực quan tâm tại bước đăng ký và tìm kiếm trên ePing. Ngoài ra, người dùng cũng mong muốn sẽ có thông tin đầy đủ hơn đối với trường Mã HS/ICS

– Mở rộng phạm vi cảnh báo: 40% trả lời họ muốn nhận cảnh báo trong phạm vi của cả những Hiệp định khác của WTO.

– Duy trì chức năng trò chuyện (chat) ePing: 86% câu trả lời của những người có quyền admin cho biết họ rất quan tâm đến sử dụng chức năng chat giữa các admin với nhau. Chức năng này cho phép những người có quyền admin có thể thiết lập các cuộc hội thảo kín với nhau song hiện mới đang trong quá trình thử nghiệm

– Tăng cường nhận thức về chức năng chia sẻ góp ý đối với dự thảo được thông báo: 51% người dùng admin trả lời họ quan tâm đến việc chia sẻ các góp ý và phản hồi đối với các dự thảo biện pháp được thông báo thông qua ePing, trong số này có 80% đặc biệt mong muốn được truy cập những thông tin này

– Giải quyết rào cản về ngôn ngữ: mặc dù đây không phải là một phương án lựa chọn được đưa ra trong bản khảo sát, rất nhiều phản hồi đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến rào cản về ngôn ngữ trong bản thông báo, biện pháp được thông báo và bản thân hệ thống ePing.

Đối với những gợi ý nói trên, Ban Thư ký WTO cũng đưa ra thông tin về việc sẽ tiếp tục phối hợp với 2 đối tác là UN và ITC để hiện thực hóa một số chức năng được đề xuất cũng như sự có mặt trong tương lai của một phiên bản ePing mới. Không chỉ vậy, Ban Thư ký WTO cũng hướng tới việc phối hợp với những tổ chức khu vực/quốc tế khác cũng như các nước Thành viên WTO nhằm nâng cao nhận thức về phương thức mà ePing sẽ giúp cho các bên liên quan – cả trong lĩnh vực công và tư – theo dõi và phản hồi với những yêu cầu kỹ thuật mới dành cho sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu.

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/08/ket-qua-khao-sat-nam-2021-cua-wto-ve-he-thong-canh-bao-eping/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]