Lá bài “hạn chế xuất khẩu” khiến Nhật Bản kẹt giữa đối đầu Mỹ-Trung

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Wednesday, Dec 16, 2020 | 10:45 - View count: 1505

Việc Mỹ và Trung Quốc tiến hành các biện pháp trả đũa lẫn nhau là điều nằm trong dự báo của nhiều nhà quan sát, song Nhật Bản có nguy cơ bị kẹt giữa hai cường quốc này.

Theo bài bình luận của chuyên gia kinh tế Keiichi Kaya đăng trên Japan Business Press, việc thông qua Luật kiểm soát xuất khẩu chính là biện pháp đáp trả của Chính phủ Trung Quốc đối với các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào nước này.

Trước đó, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu đối với một số doanh nghiệp của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn công nghệ Huawei. Trả đũa lẫn nhau này là điều nằm trong dự báo của nhiều người, song Nhật Bản có nguy cơ bị kẹt giữa hai cường quốc này.

Một loạt quy định trong Luật kiểm soát xuất khẩu có thể sẽ không nhất thiết được kích hoạt mà còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, là nước đang cố gắng xoay chuyển nền kinh tế bằng cách thúc đẩy xuất khẩu sang cả Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản chắc chắn sẽ là bên chịu thiệt hại trong cuộc đối đầu giữa hai nước có tổng lượng GDP thứ nhất và thứ hai thế giới.

Chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ cố gắng bình thường hóa vấn đề này song các cuộc đàm phán sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Sự chia rẽ lập trường giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ được thúc đẩy, khi đó Nhật Bản sẽ đứng trước sức ép buộc phải đưa ra lựa chọn quan trọng là đứng về bên nào.

Kinh tế Nhật Bản đứng trước tương lai ảm đạm 

Ngày 1/12/2020, Luật kiểm soát xuất khẩu được Trung Quốc thực thi nhằm mục đích kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng mà Trung Quốc cho là liên quan đến an ninh quốc gia.

Luật này được cấu thành bởi hai bộ phận, một là danh sách các mặt hàng mà doanh nghiệp Trung Quốc không được tự do xuất khẩu bất kể họ được cấp giấy phép. Hai là danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm xuất khẩu cho doanh nghiệp nước ngoài bị xác định là có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Trước đó, Chính quyền Tổng thống Trump đã phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc, trong đó có thực hiện các biện pháp cấm xuất khẩu nhằm đối với các sản phẩm của một số doanh nghiệp Trung Quốc vì lý do an ninh và tập đoàn Huawei là một ví dụ điển hình. Như vậy, động thái này của Trung Quốc được hiểu là hành động đáp trả lại Mỹ tương tự như biện pháp cấm xuất khẩu của Mỹ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu nhiều nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc nên sau khi Luật này có hiệu lực thì đồng nghĩa với việc họ không được tự do mua các sản phẩm của Trung Quốc, mà sẽ có một số vấn đề ràng buộc.

Một sản phẩm được truyền thông đề cập đến nhiều nhất là đất hiếm, nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất các thiết bị điện gia dụng, thiết bị điện tử, xe hơi điện tự động (EV). Nhật Bản phụ thuộc tới 60% nguyên liệu đất hiếm từ Trung Quốc, nên nếu mặt hàng này trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc thì các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đứng trước nhiều khó khăn.

Tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản trong năm 2019 là 155.000 tỷ yen, trong đó kim ngạch thương mại song phương với Trung Quốc là 33.000 tỷ yen và kim ngạch thương mại song phương với Mỹ là 26.000 tỷ yen. Như vậy cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác lớn của Nhật Bản.

Có nhiều phương thức khác nhau để tạo nên con số ấn tượng đó, ví dụ các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc, gia công trong nước, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu linh kiện sang Trung Quốc, sau đó doanh nghiệp Trung Quốc hoàn thiện công đoạn cuối trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Dù phương thức nào thì Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác lớn của nhiều nhà sản xuất Nhật Bản và chắc chắn phía Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang. Vẫn biết việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì chắc chắn Trung Quốc sẽ có đòn đáp trả là điều dễ dàng dự báo được song đối với Nhật Bản thì đây quả là kịch bản tồi tệ nhất.

Mục tiêu của Luật đối với tái xuất khẩu 

Điều được dư luận đặc biệt quan tâm là vấn đề tái xuất khẩu. Các biện pháp cấm xuất khẩu do Mỹ áp đặt bao gồm cả việc xuất khẩu qua nước thứ ba. Có nghĩa là, Chính quyền Mỹ cấm các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Huawei, nhưng nếu doanh nghiệp Mỹ xuất linh kiện sang Nhật Bản sau đó doanh nghiệp Nhật Bản bán sản phẩm cuối cùng cho Huawei thì cũng nằm trong phạm vi cấm. Hay nói một cách khái quát thì doanh nghiệp Nhật Bản nếu bán các sản phẩm sử dụng linh kiện, nguyên liệu từ Mỹ cho Huawei thì họ cũng không thể tiếp tục làm ăn với Mỹ.

Trong khi đó, cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc hoạt động sắp tới gần như tương tự với cơ chế của Mỹ, có nghĩa là xuất khẩu từ Trung Quốc qua nước thứ ba (ở đây là Nhật Bản) cũng nằm trong phạm vi của Luật do Trung Quốc ban hành lần này.

Lấy ví dụ, một doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu nguyên liệu từ doanh nghiệp Trung Quốc và bán hàng cho một doanh nghiệp Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc coi doanh nghiệp Mỹ đó là đối tượng cấm xuất khẩu thì doanh nghiệp Trung Quốc không những không thể xuất khẩu trực tiếp cho doanh nghiệp Mỹ mà cũng không thể giao dịch với doanh nghiệp Nhật Bản (đang xuất khẩu cho doanh nghiệp Mỹ). Doanh nghiệp Nhật Bản không thể nhập khẩu nguyên liệu nên trên thực tế chẳng còn cách nào là dừng kinh doanh hoặc phá sản.

Cơ chế kiểm soát tái xuất khẩu được hiểu là không chỉ chuyện làm ăn trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc mà khả năng cao là sẽ được sử dụng tạo áp lực cho nước làm ăn gián tiếp với Mỹ và Trung Quốc.

Lấy một ví dụ, khi Mỹ thực hiện các cuộc đàm phán riêng lẻ với Nhật Bản, chắc chắn Nhật Bản sẽ đề xuất Mỹ loại bỏ các sản phẩm nông nghiệp như gạo khỏi danh sách đối tượng chịu thuế. Nhưng nếu Mỹ áp dụng quy định về tái xuất khẩu và đưa ra thỏa thuận trọn gói (đàm phán toàn diện các mặt hàng như nhau) thì Nhật Bản buộc phải thỏa hiệp.

Ngược lại, khi Nhật Bản đàm phán riêng lẻ với Trung Quốc, phía Trung Quốc cũng đưa ra biện pháp tương tự thì Nhật Bản buộc phải nhượng bộ. Về lý thuyết, hoàn toàn có khả năng xảy ra phương án thỏa hiệp là nếu Nhật Bản muốn tiếp tục làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc thì sẽ phải thỏa hiệp vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Nếu nhìn từ cách mà Chính phủ Nhật Bản thái độ từ trước đến nay thì ngay cả phải chấp nhận thiệt hại cho cách doanh nghiệp nước mình, Nhật Bản cũng khó có chuyện thỏa hiệp với Trung Quốc về lãnh thổ.

Ngoài ra, trong trường hợp cả Mỹ và Trung Quốc cùng gây áp lực lên Nhật Bản thì Nhật Bản sẽ mắc kẹt ở giữa và đứng trước áp lực buộc phải chọn bên. Quy định về tái xuất khẩu có khả năng sẽ đẩy Nhật Bản vào thế khó.

Rủi ro đối với giới doanh nghiệp 

Việc kiểm soát xuất khẩu là một trong những con bài đàm phán hàng đầu của cả Mỹ và Trung Quốc nên khó có khả năng hai nước này áp dụng ngay con bài này.

Hay nói cách khác, khó có khả năng Chính phủ Trung Quốc đột ngột đưa một loạt các mặt hàng vào diện kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, dù không thực hiện ngay nhưng rõ ràng đó là một loại vũ khí uy lực, có tầm ảnh hưởng về mặt ngoại giao rất lớn.

Cộng đồng xã hội Nhật Bản có xu hướng xem nhẹ Trung Quốc và có dấu hiệu cho thấy một bộ phận dư luận nước này đang nhìn nhận chưa toàn diện cơ chế kiểm soát xuất khẩu do Trung Quốc đưa ra lần này.

Nếu Chính phủ Trung Quốc không đưa các hạng mục quan trọng vào phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật kiểm soát xuất khẩu thì có lẽ dư luận Nhật Bản sẽ chỉ đơn thuần là những lời bình luận như “Nếu không có Nhật Bản thì Trung Quốc chẳng làm được gì” hoặc “Trung Quốc không thể ép được Nhật Bản”. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc muốn áp dụng luật để đàm phán thì không thể lường trước được những gì Trung Quốc sẽ làm với Nhật Bản.

Giả sử trường hợp Chính phủ Trung Quốc bổ sung một số sản phẩm vào danh sách cấm xuất khẩu vào một giai đoạn nhất định, nhưng trên thực tế họ chưa vội áp dụng việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm đó.

Chính phủ Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cứ thế yên tâm tiếp tục làm ăn với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian, đột nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc không xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm này, khi đó doanh nghiệp Nhật Bản sẽ ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Phía Nhật Bản đang nghiên cứu không biết Trung Quốc có áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu hay không, hỏi phía Trung Quốc thì chỉ nhận được các câu trả lời là “vấn đề chỉ là lưu thông hàng hóa, sẽ không có chuyện hạn chế đối với một quốc gia”.

Thế nhưng dấu hỏi lớn mà doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra là liệu Trung Quốc có áp đặt các biện pháp khác nhau đối với từng doanh nghiệp mặc dù họ nhập cùng một loại sản phẩm.

Nhiều người Nhật Bản coi Chính quyền của ông Trump như một “thần hộ mệnh” bảo vệ công lý, đồng thời hy vọng Mỹ có thể gây áp lực lên Trung Quốc nhưng thực tế sẽ còn khác xa. Thực tế là trong cộng đồng quốc tế, không có nước nào tồn tại được khi chỉ dựa dẫm vào nước ngoài, ngay cả Mỹ là đồng minh lớn nhất thì cũng không nói trước được điều gì.

Một số dư luận cho rằng xung đột Mỹ-Trung sẽ được xoa dịu nhờ sự chuyển giao chính trị từ Chính quyền của ông Trump sang Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhưng có lẽ không nên đặt nhiều kỳ vọng.

Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy xung đột Mỹ-Trung sẽ không tiếp tục tái diễn và căng thẳng hơn khi nước Mỹ bước vào thời kỳ Chính quyền của ông Biden. Khi đó Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đối diện với khả năng buộc phải chọn bên, thậm chí điều này còn có thể đến trong tương lai gần./.

Nguồn: Bnews

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2020/12/la-bai-han-che-xuat-khau-khien-nhat-ban-ket-giua-doi-dau-my-trung/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]