“Tâm chấn” RCEP trong dòng chảy thương mại châu Á

Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Tuesday, Jan 19, 2021 | 15:38 - View count: 1465

Như bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 sẽ tạo ra kẻ thắng người thua. Trong “tâm chấn” RCEP, cơ hội và thách thức đối với các nước thành viên được đặt ra rõ ràng hơn.

Đầu tiên, việc tạo thuận lợi cho thương mại mang lại lợi ích ròng, và những lợi ích này thường rất đáng kể. Cam kết về dòng chảy thương mại gia tăng và thu nhập cao hơn luôn là một trong những điểm hấp dẫn chính của Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Với việc một số quốc gia châu Á đã chứng minh sự thành công của mô hình tăng trưởng hướng vào xuất khẩu, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà hoạch định chính sách trong khu vực xem xét thương mại lớn hơn như một cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiệp định này đánh dấu lần đầu tiên một số nền kinh tế lớn nhất thế giới được kết nối thông qua một hiệp định thương mại. Đặc biệt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đã có những cam kết mới với nhau về cắt giảm hàng loạt thuế quan và mở cửa tiếp cận thị trường. Các thành viên RCEP đã dành 8 năm để thực hiện một loạt các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử, hải quan và tạo thuận lợi thương mại… Nhiều cam kết trong văn kiện được thiết lập để mang lại lợi ích kinh tế quan trọng cho các doanh nghiệp trong khu vực. Ví dụ, thuế quan được thiết lập để giảm đối với hầu hết các sản phẩm vào hầu hết các thị trường. Nhiều lần cắt giảm thuế quan này sẽ diễn ra khi hiệp định có hiệu lực và một tỷ lệ lớn thuế quan sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Thứ hai, tiền lệ được đặt ra bởi các FTA trước đây của châu Á, ở một mức độ nào đó cho thấy sự lạc quan về RCEP. Chẳng hạn, tổng thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng trưởng trung bình 11% hàng năm kể từ khi có FTA ASEAN – Trung Quốc và việc cắt giảm thuế quan quy mô lớn vào đầu năm 2010. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – New Zealand năm 2008 dẫn đến tổng thương mại hàng hóa giữa hai nước mở rộng 13% mỗi năm cho đến năm 2019. Cả hai tốc độ tăng trưởng này đều nhanh hơn nhiều so với sự mở rộng thương mại toàn cầu nói chung trong cùng thời kỳ. Nhưng nếu chỉ tập trung vào tổng lợi ích thương mại từ các hiệp định như vậy sẽ bỏ qua những hậu quả địa lý lâu dài hơn, đặc biệt khi lợi ích thu được từ các FTA không thể được phân bổ đồng đều giữa các quốc gia hoặc ngay cả trong các quốc gia.

Trên thực tế, thương mại tự do làm tăng tốc độ tập trung địa lý của các hoạt động kinh tế. Nó thể hiện mối quan hệ thứ bậc giữa cốt lõi của hệ thống kinh tế, mà đối với châu Á là Trung Quốc và các nước xung quanh. Điều này có nguy cơ khóa chặt các cấu trúc công nghiệp hiện có giữa các quốc gia, hạn chế khả năng vươn lên chuỗi giá trị. Những hậu quả tiêu cực này bắt nguồn từ cùng gốc rễ với lợi ích kinh tế. Những lợi ích tích cực do thương mại tự do tạo ra chủ yếu đến từ việc tiết kiệm hiệu quả, nhờ tập trung hóa và mở rộng quy mô sản xuất ở những địa điểm cạnh tranh nhất. Điều này dẫn đến chi phí trên đơn vị sản phẩm thấp hơn và cải tiến sản phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời cải thiện lợi tức vốn cho người sản xuất.

Nhưng khi quy mô trở thành yếu tố phân biệt cạnh tranh chính, lợi ích của thương mại tự do có khả năng được chia sẻ đồng đều hơn, nếu các bên tham gia có quy mô tương đương, ở các giai đoạn phát triển kinh tế tương tự và có thế mạnh công nghiệp bổ sung. Ngược lại, các quốc gia không có ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế, hoặc có quy mô bất lợi đáng kể đối với các đối tác FTA có thể phải vật lộn để đạt được lợi ích đáng kể trong dài hạn. Rủi ro đối với các quốc gia như vậy là hoặc các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu chi phí thấp hơn, hoặc đơn giản là không thể phát triển các ngành công nghiệp nội địa cần thiết để tăng tốc và duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Cả hai yếu tố này đều làm tăng nguy cơ hoạt động công nghiệp của châu Á sẽ tập trung nhiều hơn ở Trung Quốc, củng cố hệ thống phân cấp kinh tế và công nghiệp hiện có của khu vực, đồng thời khiến các nước đang phát triển nhỏ hơn có thể rơi vào vị thế ngoại vi cấp thấp hơn trong dài hạn.

Địa kinh tế của châu Á đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc đã tự khẳng định vị thế trung tâm kinh tế của khu vực và sẽ được hưởng tất cả những lợi ích tự củng cố về quy mô mà vị thế này mang lại. Quy mô thị trường, các nguồn lực sẵn có và sự phức tạp về kinh tế đều tạo cơ sở cho khả năng cạnh tranh công nghiệp siêu tốc của nước này so với các nước láng giềng trong khu vực. Những người tin chi phí tiền lương ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc di dời các hoạt động sản xuất sang các nước láng giềng có chi phí thấp hơn, nhưng chưa tính đến lợi ích mà quy mô mang lại cho cốt lõi của hệ thống kinh tế, đặc biệt về năng suất tương đối. Ví dụ ở châu Âu, Đức có thể có một số chi phí lao động cao nhất khu vực, nhưng điều này không ngăn được tỷ trọng của nước này trong tổng sản lượng sản xuất của châu Âu tăng từ 27% lên 30% trong thập kỷ qua.

Đây là lý do tại sao ASEAN luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại tự do với các siêu cường kinh tế, trong đó có Trung Quốc. Quy mô kinh tế của Trung Quốc so với các nước láng giềng không cân đối và khả năng dẫn dắt ngành quá rõ rệt, đến mức không rõ bằng cách nào mà số lượng ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế vốn đã hạn chế của Đông Nam Á lại có thể phát triển hoặc thậm chí tồn tại. Đối với các cuộc thảo luận về việc chuyển ngành sản xuất sang Đông Nam Á, thực tế là thâm hụt hàng hóa sản xuất của khu vực với Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây: Từ 37 tỷ USD năm 2009 lên 139 tỷ USD vào năm 2019. Từ góc độ này có thể lý giải, việc Ấn Độ quyết định tạm thời không tham gia RCEP vì tham vọng phát triển cơ sở sản xuất và công nghiệp của riêng mình, như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế của nước này, cũng như có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế và chính trị liên quan.

Nguồn: Báo Công Thương

[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/01/tam-chan-rcep-trong-dong-chay-thuong-mai-chau-a/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]