Xuất siêu kỷ lục, ký RCEP và UKVFTA – điểm sáng trong bức tranh ngoại thương
Post by: Trần Thanh Tùng - Post date: Monday, Jan 11, 2021 | 14:15 - View count: 1511
Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 543,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 281,47 tỷ USD. Đây là điểm sáng đáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 với đầy màu sắc ảm đạm do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Xuất khẩu đi vào chiều sâu, xuất siêu đạt kỷ lục mới
Năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 đạt 5,99% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Báo cáo tổng kết ngành năm 2020 của Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Cũng trong năm, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Tính chung cả năm, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vẫn đạt khoảng 543,9 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhận định, với kết quả này, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng khá cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 24,4%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (tăng 15,7%), máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (tăng 47,8%), sắt thép (tăng 23,7%), phân bón (tăng 26,6%)…
Đáng chú ý, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2020, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Năm 2020 có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, năm 2020, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…
Đặc biệt, năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục mới với 19,1 tỷ USD, cao hơn con số 10,87 tỷ USD của năm 2019. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Một trong những tín hiệu tích cực được ghi nhận trong bức tranh xuất khẩu của nước ta năm 2020 đó chính là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Xuất khẩu các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp với giá trị cao gia tăng mạnh và giảm hàm lượng xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.
Minh chứng, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng chiếm tới trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35%.
Với những kết quả trên, Bộ Công Thương đánh giá, dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư; đưa Việt Nam vững bước, tự tin bước vào năm 2021.
Bứt phá trong công tác hội nhập
Hội nhập Quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của ngành Công Thương trong năm 2020. Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Riêng đối với 2 Hiệp định đã có hiệu lực là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện.
Mục tiêu đặt ra là không chỉ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức.
5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.
Còn đối với EVFTA, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực tính đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất khả quan.
Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm đồng thời hết sức nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý nội dung của Hiệp định. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước cho việc ký kết Hiệp định RCEP cũng như tổ chức thành công Lễ ký kết của Hiệp định vào tháng 11 năm 2020.
Việc ký kết Hiệp định RCEP – Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.
Như vậy, có thể nói, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác đàm phán, ký kết các FTA tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, năm 2020 là năm hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, chính thức ký kết Hiệp định RCEP.
Đặc biệt, ngày 29/12/2020 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký kết, đưa thương mại của Việt Nam tiến vào các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu.
Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch). Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng mang lại các dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và có thêm nhiều giao dịch từ Anh tới Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
[wpdevart_facebook_comment curent_url="https://tbt.gov.vn/2021/01/xuat-sieu-ky-luc-ky-rcep-va-ukvfta-diem-sang-trong-buc-tranh-ngoai-thuong/" title_text="" title_text_color="#000000" title_text_font_size="22" title_text_position="left" width="100%" bg_color="#CCCCCC" animation_effect="random" count_of_comments="2" ]